Số ca sốt xuất huyết tăng nhưng nhiều nơi thiếu thuốc đặc trị

20/02/2024 11:06

PNO - Số ca sốt xuất huyết ở nhiều tỉnh, thành đang tăng. Tuy nhiên, các bệnh viện lại không mua được thuốc mới chuyên điều trị bệnh này, còn thuốc cũ lại hết hạn.

Đứt nguồn cung cấp thuốc

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa gửi công văn phản hồi các sở y tế nhiều tỉnh, thành phố về những khó khăn trong việc cung ứng thuốc Dextran 40 Injection - dung dịch cao phân tử dùng trong điều trị sốt xuất huyết (SXH). 

Cuối năm 2020, cục đã cấp phép cho Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương (CPC1) nhập khẩu 50.000 túi thuốc Dextran 40 Injection để đáp ứng nhu cầu điều trị sốc trên bệnh nhân SXH nặng. Đến nay, theo thông tin từ nhiều bệnh viện và sở y tế các tỉnh, thành, thuốc Dextran 40 Injection đã hết hạn sử dụng từ ngày 28/4/2022. Hiện tại, các bệnh viện không đặt được mặt hàng này do cơ sở nhập khẩu không có kế hoạch nhập khẩu tiếp. 

so-ca-sot-xuat-huyet-tang-_91655220179.j
Do không còn nguồn thuốc Dextran 40 Injection nên nhiều bệnh viện ở tỉnh Đồng Nai phải dùng HES 130 để điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, có sốc (trong ảnh: Điều trị sốt xuất huyết cho trẻ ở Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai) - Ảnh: Gia Huy
avw.php?zoneid=32&cb=INSERT_RANDOM_NUMBE

Theo báo cáo của CPC1, số lượng thuốc Dextran 40 Injection đã nhập thực tế là 9.000 túi. Tuy nhiên, có nhiều cơ sở khám, chữa bệnh dự trù thuốc với số lượng lớn nhưng số lượng ký hợp đồng và đặt hàng trên thực tế lại thấp hơn nhiều, thậm chí không lấy hàng theo kế hoạch, khiến công ty bị tồn kho 3.476 túi. Hiện nay, toàn bộ hàng tồn kho đã hết hạn sử dụng và phải chờ hủy, gây thiệt hại lớn cho công ty. Do đó, dù hiện nay, các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục đặt mua thuốc Dextran 40 Injection nhưng công ty lo xảy ra tình trạng tồn hàng nên chưa có kế hoạch đề nghị nhập khẩu.

Đại diện CPC1 còn cho hay, mặt hàng này không có sẵn nguồn nguyên liệu nên phải đặt hàng trước với nhà sản xuất từ 6 - 9 tháng. Hơn nữa, hàng lại chỉ có hạn dùng trong 18 tháng; hàng đến tay các bệnh viện chỉ còn hạn dùng trên ba tháng nên công ty nhập khẩu luôn đối mặt rủi ro. Theo danh sách mà CPC1 cung cấp, cả nước có 125 cơ sở khám, chữa bệnh đăng ký mua thuốc Dextran 40 Injection. 

Lý giải về việc không đặt hàng mua thuốc này, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Nai đã gửi văn bản đến Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho hay, bệnh viện đã không được CPC1 thông báo “có hàng” và công ty cũng không liên hệ với bệnh viện để ký hợp đồng. 

Dược sĩ Võ Thị Thanh Thảo - Trưởng khoa Dược, BVĐK Đồng Nai - nói: “Bệnh viện không dự trù loại thuốc này. Năm 2020, 2021, chúng tôi không hề biết CPC1 có hàng bởi không nhận được thông báo nào từ phía công ty này. Khi rà lại kết quả đấu thầu, tôi cũng thấy Sở Y tế tỉnh Đồng Nai không trúng thầu thuốc Dextran 40 Injection và công ty cũng không dự thầu. Phía công ty cũng đã xác nhận lại rằng, giữa công ty và bệnh viện không có hợp đồng ký kết dự trù 500 túi thuốc Dextran 40 Injection như văn bản của công ty liệt kê gửi Cục Quản lý dược”. 

Theo dược sĩ Thanh Thảo, hiện tại, số ca SXH tăng mạnh, bệnh viện đã liên hệ với nhiều công ty để đặt hàng nhưng các công ty thông báo không có thuốc Dextran 40 Injection.

Ảnh hưởng đến chữa bệnh ra sao? 

Mới đầu mùa mưa nhưng ca mắc SXH ở tỉnh Đồng Nai cứ tăng lên từng ngày với nhiều ca nặng và diễn tiến phức tạp hơn so với năm trước; nhiều trường hợp bị tổn thương gan, sốc nhiều lần. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai, đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 5.147 ca mắc SXH ở 10/11 địa phương cấp huyện, tăng 2.757 ca, tương đương hơn 86% so với cùng kỳ năm 2021. Các huyện Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú và TP.Long Khánh có nhiều ca mắc nhất tỉnh.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai - cho hay, nhiều tuần nay, số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị SXH tăng cao. Ngày 14/6, bệnh viện điều trị nội trú cho hơn 100 ca SXH, trong đó có 30 ca bệnh nặng, có sốc. Trước tình hình này, bệnh viện rất cần nguồn thuốc Dextran 40 Injection để dùng cho bệnh nhân SXH. 

Ông nói: “Do thuốc này hết hạn dùng nên chúng tôi phải dùng loại HES 130.000 dalton (HES 130). Loại HES 130 không chuyên về điều trị SXH nhưng do hết HES 200 và Dextran 40 hay Dextran 70 từ năm ngoái nên chúng tôi phải tập huấn cho các bác sĩ sử dụng dung dịch HES 130, là loại mà bệnh viện còn nhiều”.

Ông cho rằng, điều trị SXH nặng bằng thuốc Dextran 40 Injection đạt hiệu quả từ 80 - 90%, bệnh nhân nhanh hết sốc. Dung dịch HES 200 và Dextran 40 Injection đều do các công ty nước ngoài sản xuất để chuyên điều trị SXH. Do bệnh SXH chỉ có ở một số nước nên các cơ sở y tế Việt Nam đều phải phụ thuộc nguồn thuốc của nhà sản xuất và nhà nhập khẩu. 

HES 130 dùng phổ biến trong điều trị sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng nhiều và phổ biến trên toàn thế giới. Nhưng khi sử dụng HES 130 điều trị SXH nặng thì hiệu quả chỉ bằng 50% so với HES 200 và Dextran 40 Injection. Dù vậy, trước tình trạng không có các loại HES 200 và Dextran 40 Injection, các bác sĩ vẫn phải chấp nhận phương án này. Khi sử dụng loại này, bác sĩ sẽ phải theo dõi sát bệnh nhân và kết hợp với các thuốc khác. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại TPHCM nhiều bệnh viện cũng đang thiếu thuốc chuyên dùng để điều trị SXH. Dược sĩ Lê Phước Thành Nhân - Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức, TPHCM) - cho biết, bệnh viện này đang thiếu dịch truyền cao phân tử loại 200.000 dalton để điều trị cho những trường hợp sốc SXH. Tình trạng thiếu loại dịch truyền trên không phải bây giờ mới xảy ra mà đã bắt đầu khan hiếm từ gần một năm trước. 

Cách đây bảy tháng, Sở Y tế TPHCM đã có công văn gửi Cục Quản lý dược để xin chỉ đạo về hướng giải quyết cho các bệnh viện. Theo đúng quy trình, bệnh nhân bị SXH nặng sẽ được truyền dịch cơ bản (gồm muối và đường) để bù dịch, cân bằng điện giải; nếu bị mất máu thì sẽ được truyền loại dung dịch dòng cao phân tử loại 200.000 dalton. 

Khi bị SXH nặng, mạch máu của bệnh nhân bị giãn nở, thoát dịch ra khỏi lòng mạch khiến máu bị cô đặc. Dịch truyền 200.000 dalton sẽ lấp các lỗ hổng ở tế bào nhanh hơn, ngăn chặn quá trình thoát dịch ra khỏi lòng mạch máu. Hiện tại, do không có dịch truyền loại này, Bệnh viện Lê Văn Thịnh phải dùng các phương pháp thay thế để điều trị cho bệnh nhân SXH nặng, như truyền tiểu cầu, dùng dịch truyền cao phân tử loại 130.000 dalton. 

Theo dược sĩ Lê Phước Thành Nhân, các giải pháp thay thế vẫn điều trị được các ca sốc SXH nhưng hiệu quả không bằng được dịch truyền cao phân tử 200.000 dalton. Nguyên nhân khan hiếm dịch truyền này là do các công ty dược không nhập khẩu về nữa. Lượng bệnh nhân nhập viện do mắc SXH tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh đang cao gấp đôi bình thường. Điều đó cho thấy, dịch SXH còn diễn biến phức tạp. 

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - và bác sĩ Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, Bộ Y tế đã ban hành văn bản hướng dẫn về việc sử dụng các loại dịch truyền cao phân tử khác để thay thế dịch truyền cao phân tử 200.000 dalton trên những bệnh nhân SXH nặng. Hiện nay, các bệnh nhi SXH ở hai bệnh viện này vẫn được điều trị kịp thời nên người dân không nên quá lo lắng. 

Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp ở phía Nam

Ngày 13/6, Viện Pasteur TPHCM đã tổ chức hội nghị tăng cường công tác phòng, chống SXH tại khu vực phía Nam với sự tham gia của đại diện trung tâm kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế thuộc 20 tỉnh, thành phía Nam.

Chuyên gia Viện Pasteur TPHCM nhận định, SXH trong những tháng đầu năm nay diễn biến phức tạp và hiện chưa đạt đỉnh. 

Năm nay, số ca SXH nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do SXH nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.

Tại An Giang, số ca mắc SXH từ đầu năm đến nay tăng hơn 387% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tại tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có khoảng 4.200 ca (tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 176 ca bệnh nặng (chiếm 4,1%).

Tính đến hết ngày 12/6, cả nước đã ghi nhận hơn 52.200 ca mắc SXH, trong đó có 29 trường hợp tử vong. Các chuyên gia dự báo dịch SXH có thể bùng phát mạnh trong tháng 6 và tháng 7/2022.

Gia Huy - Thanh Huyền

 

 

Từ khóa sốt xuất huyếtthuốc Dextran 40 InjectionCục Quản lý dược

*Email (không hiển thị trên trang):

*Họ tên (hiển thị trên trang):

Vui lòng nhập mã xác nhận vào ô bên dưới.
Nếu bạn không đọc được, hãy

su-kien-trien-lam-vien-nghien-cuu-_16552

Sự kiện “Triển lãm Viện Nghiên cứu dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển NNRIS” đem đến tiêu chuẩn châu Âu - Nâng tầm vóc Việt