Từ điển định nghĩa "nhà báo là người ăn bám gia đình"?

19/09/2024 03:16

PNO - Trong cuốn Từ điển từ ngữ Nam Bộ, TS Huỳnh Công Tín định nghĩa "nhà báo" là "người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám gia đình".

Cuốn Từ điển từ ngữ Nam bộ của TS Huỳnh Công Tín được nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản lần đầu vào năm 2007, sau đó nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tái bản vào năm 2009. Đến tháng 5/2022, định nghĩa "nhà báo" là "người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám gia đình" mới được phát hiện. 

"Ra trường rồi ở nhà làm nhà báo chớ có làm được gì đâu" - câu trích dẫn kèm theo định nghĩa để chứng minh thêm ý nghĩa của từ "nhà báo". Định nghĩa này gây "sốc" cho nhiều người. Theo giải thích của TS Huỳnh Công Tính, ông cho rằng mình đã định nghĩa từ "nhà báo" trong từ điển theo nghĩa bóng chứ không phải nghĩa đen. Đồng thời cho rằng đó là cách nói của người dân Nam bộ về khái niệm này. 

tu-dien-dinh-nghia-nha-_491655279281.jpg
Định nghĩa "nhà báo" gây sốc của TS Huỳnh Công Tín - Ảnh: Zing

Nhà văn Trần Bảo Định (sinh năm 1944, tại Long An) - người từng viết rất nhiều tác phẩm có bối cảnh Nam bộ xưa và am hiểu lịch sử, văn hóa vùng đất này - nói rằng phương ngữ Nam bộ không dùng từ "nhà báo" theo nghĩa như trên. "Nếu có, anh phải dẫn được nguồn từ đâu, bắt đầu từ địa phương nào, lưu truyền ở giai đoạn nào, trong thời gian bao lâu. Và từ ngữ đó phải được dùng phổ biến trong dân gian thì mới gọi là phương ngữ chung của vùng miền chứ không thể tự suy ra nghĩa được" - nhà văn Trần Bảo Định nói. 

avw.php?zoneid=32&cb=INSERT_RANDOM_NUMBE

Trong nghiên cứu, khảo cứu khoa học, thao tác khái niệm/định nghĩa là hết sức quan trọng. Mọi khái niệm hay trích dẫn đều yêu cầu cần dẫn nguồn. Người biên soạn Từ điển từ ngữ Nam bộ dẫn một câu trích dẫn trong ngoặc kép, nhưng không ghi rõ nguồn câu nói đó khởi nguồn từ ai/ở đâu/vì sao lại có câu ấy. Đó là sai nguyên tắc trích dẫn khoa học.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, một đại diện phía nhà xuất bản Chính trị Quốc gia nói rằng thời điểm cuốn từ điển được tái bản, anh chưa về công tác tại đơn vị. Nhân sự nhà xuất bản đến nay cũng đã thay đổi từ cấp lãnh đạo đến nhân viên. Việc xử lý một ấn phẩm từ điển có định nghĩa gây phản ứng được xuất bản từ gần 15 năm trước còn phải chờ thêm câu trả lời. 

tu-dien-dinh-nghia-nha-_781655279379.png
Cuốn từ điển được xuất bản vào năm 2007

Tuy nhiên, Từ điển từ ngữ Nam bộ không phải là cuốn từ điển đầu tiên bị phát hiện có vấn đề. Trước đây, từng có các cuốn: Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (nhóm tác giả Đặng Thúy Hằng, Dương Thị Dung, Nguyễn Thảo Nguyên), Từ điển chính tả tiếng Việt (PGS.TS Hà Quang Năng - thạc sĩ Hà Thị Quế Hương biên soạn), Từ điển chính tả tiếng Việt (GS.TS Nguyễn Văn Khang) bị phát hiện nhiều lỗi sai nghiêm trọng. 

Có cuốn bị phát hiện ngay, thu hồi, chỉnh sửa. Nhưng cũng có cuốn lưu hành nhiều năm mới bị phát hiện, như trường hợp của Từ điển từ ngữ Nam bộ. Nếu truy cứu trách nhiệm, phải là cả một hệ thống từ người biên soạn, hội đồng thẩm định, biên tập viên, lãnh đạo nhà xuất bản, Cục xuất bản...

Sách từ điển trên thị trường hiện nay rất nhiều, nhưng không biết trong số đó sẽ còn có bao nhiêu chi tiết sai, lệch chuẩn mà chưa bị phát hiện?

Hàn Giang