Xã hội phát triển, nhu cầu vay tiền ngày càng cao và kéo theo đó, những giải pháp vay tiền xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, không giải pháp nào là toàn diện, đặc biệt là các giải pháp vay tự phát, không có sự giám sát, can thiệp của cơ quan chức năng thì càng tiềm ẩn những rủi ro.
Vay tiền mặt
Đây là giải pháp vay tiền truyền thống và vẫn tồn tại ở một số nơi mà tỉ lệ người dân sử dụng tài khoản ngân hàng chưa nhiều. Việc vay tiền mặt như vậy thường là vay cá nhân, trong đó, người cho vay thường là người có điều kiện kinh tế, có uy tín về tài chính trong cộng đồng còn người đi vay cũng là người làm ăn, sinh sống trong cộng đồng đó, được “nhớ mặt chỉ tên”. Hình thức vay này giống với vay tín chấp và hiện vẫn có những cá nhân, hội nhóm hoạt động cho vay chuyên nghiệp theo hình thức vay này.
Điều kiện vay thì khá dễ dàng, chủ yếu dựa trên sự quen biết, hiểu về hoàn cảnh người đi vay, không cần chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ gì nhiều. Việc giải ngân diễn ra gần như ngay lập tức. Người vay chỉ cần ký vào một bản giấy vay nợ, trong đó có quy định thời gian trả nợ, số tiền lãi. Với hình thức này, hạn mức vay nhiều thì cũng khoảng 50 triệu, tương đương với hạn mức vay tín chấp của các ngân hàng. Lãi suất vay sẽ không tính theo tỉ lệ %/năm như cách các tổ chức tín dụng thực hiện mà tính theo nghìn đồng/triệu/ngày, dao động trong khoảng từ 2.000đ - 3.000đ/triệu/ngày, tương đương khoảng 90% - 110%/năm.
Do hình thức vay này là giao dịch dân sự, lại diễn ra không công khai, không có sự giám sát của chính quyền hay cơ quan chức năng nên nhiều giao dịch đã biến tướng trở thành tín dụng đen. Nhưng bởi thủ tục vay khá thuận tiện và dựa trên sự tin tưởng nên vẫn nhiều người lựa chọn hình thức vay này, đặc biệt là tiểu thương.
Vay vàng
Giống như vay tiền mặt, vay vàng cũng là hoạt động cho vay tự phát nhưng vay vàng thì phổ biến hơn ở các thành phố lớn và đa phần người cho vay là các chủ tiệm vàng. Hình thức vay thường yêu cầu về tài sản thế chấp vì giá trị khoản vay lớn hơn vay tiền mặt. Thông thường, người vay phải đặt lại giấy tờ nhà đất hay tài sản có giá trị thì mới có thể vay vàng. Số lượng vàng có thể vay tùy thuộc vào giá trị nhà đất, tài sản và hình thức này có phần giống với vay thế chấp tại các ngân hàng.
Khi vay vàng, người vay phải đối diện với nhiều rủi ro hơn vay tiền mặt. Một là nguyên tắc ngầm “vay vàng trả vàng”. Nếu khi vay, người vay nhận 10 cây vàng thì khi trả thì cũng phải trả đủ 10 cây vàng chưa kể lãi. Do đó, rủi ro thứ nhất là biến động giá vàng. Ví dụ tại thời điểm vay, giá vàng là 70 triệu đồng/cây nhưng đến thời điểm trả, giá vàng đã là 80 triệu đồng/cây thì người vay sẽ phải bù thêm 10 triệu đồng cho mỗi cây vàng phải trả. Thứ hai là tiền lãi cũng được tính theo vàng chứ rất ít khi tính theo tỉ lệ %. Cụ thể lãi vàng là bao nhiêu phụ thuộc vào thoả thuận của cả hai bên nhưng thường thì cao hơn mức 7%/năm mà Ngân hàng Nhà nước đã quy định vào năm 1992. Do việc trả lãi cũng bằng vàng nên chắc chắn, khi giá vàng lên, người vay sẽ mất thêm một khoản tiền chênh lệch để bù vào phần này.
Vay chuyển khoản
Hình thức vay này khác hoàn toàn hai hình thức trên khi mà người đi vay và người cho vay không cần gặp mặt, không cần quen biết nhau và cũng không cần chuẩn bị hồ sơ vay chi tiết. Có hai cách tiếp cận hình thức vay “không quen biết” này. Một là gọi vào các số điện thoại cho vay tiền được dán rất bừa bãi ở các cột điện, bờ tường hoặc được quảng cáo trên một số trang mạng xã hội. Hai là tải các ứng dụng di động (app) cho vay tiền trên App Store, Google Store, đăng nhập, gửi yêu cầu và đợi phê duyệt. Khi được duyệt vay, người vay sẽ nhận tiền qua hình thức chuyển khoản.
Với cả hai cách vay này, việc giải ngân thường diễn ra nhanh chóng, gần như là ngay lập tức nhưng kèm theo đó là quá nhiều rủi ro mà thời gian qua, đài báo đã lên tiếng rất nhiều như lãi ẩn, phí ẩn, phạt vô tội vạ, đòi nợ kiểu giang hồ, chiếm đoạt tài sản… Hiện nay, các ứng dụng cho vay không được nhà nước quản lý, không tuân theo quy định của pháp luật như thế được gọi là tín dụng đen.
Thực ra, việc giải ngân bằng chuyển khoản đã được nhiều ngân hàng, công ty tài chính, thậm chí là các chuỗi cửa hàng cầm đồ hợp pháp như F88 áp dụng. Nhưng cách làm thì khác với tín dụng đen ở chỗ người vay cần phải tới trụ sở, phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng trên để hoàn tất hợp đồng vay rồi mới được giải ngân bằng hình thức chuyển khoản chứ không có chuyện vay online 100%. Tiếp theo, tất cả các hợp đồng vay đều ghi lãi suất cụ thể, chi tiết và mức lãi suất này nằm trong khung quy định của pháp luật, không được phép thu những khoản lãi ẩn, phí ẩn và lãi suất không bao giờ ở mức vài trăm hay là cả nghìn %/năm như tín dụng đen.
Cho vay dân sự là hoạt động hợp pháp, được pháp luật công nhận nhưng bắt buộc phải tuân theo quy định chung. Những khoản vay cố tình không tuân theo những quy định đó thường luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, người vay cần nắm rõ những rủi ro này để phòng tránh và tốt nhất, chỉ nên vay ở các tổ chức tín dụng uy tín và chỉ vay khi thực sự cần.