Theo Cục Xuất nhập khẩu, đầu tháng 6, giá cà phê thế giới tiếp tục đà phục hồi. Yếu tố giúp giá cà phê toàn cầu tăng trong ngắn hạn gồm: xuất khẩu cà phê robusta từ Việt Nam chậm lại; thời tiết không thuận lợi tại vùng sản xuất cà phê chính ở Brazil.
Trên sàn giao dịch London, ngày 8/6, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 7, tháng 9 tăng lần lượt 0,6%, 1,2% so với ngày 28/5, lên mức 2.109 USD/tấn và 2.121 USD/tấn USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 8/6 giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 7, tháng 9 cùng tăng 1,2% so với ngày 28/5, lên mức 232,15 US Cent/pound, 232,25 US Cent/pound.
Những ngày đầu tháng 6, giá cà phê robusta tại thị trường trong nước tăng theo giá thế giới. Ngày 8/6, giá cà phê robusta tại thị trường nội địa tăng 600 đồng/ kg so với ngày 28/5, lên mức cao nhất 42.600 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk; mức thấp nhất là 42.000 đồng/kg tỉnh Lâm Đồng; mức giá 42.500 đồng/kg tại các tỉnh Gia Lai và Đắk Nông.
Tuy nhiên, đến ngày 15/6, giá cà phê có xu hướng quay đầu giảm khoảng 400 đồng/kg so với cuối tháng 5.
Diễn biến giá cà phê trong nước từ tháng 5 đến giữa tháng 6
Cục Xuất nhập khẩu nhận định đà phục hồi giá cà phê thế giới là không chắc chắn. Xu hướng tổng thể của thị trường có nhiều biến động do vẫn chịu ảnh hưởng bởi nút thắt trong chuỗi cung ứng cà phê chưa được giải quyết, trong khi nền kinh tế toàn cầu đối diện với nhiều rủi ro và thách thức.
Sự hồi phục của nền kinh tế thế giới sau khi Thượng Hải mở cửa trở lại với nhiều tín hiệu tích cực từ Chính phủ Trung Quốc đưa ra có thể khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt hơn trong việc kiểm soát lạm phát, đồng USD lấy lại đà tăng. Điều này làm các tiền tệ mới nổi suy yếu trở lại.
Đồng real giảm so với đồng USD sẽ thúc đẩy người Brazil đẩy mạnh bán cà phê ra, trong khi nguồn cung cà phê vụ mới hiện đang dồi dào. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam mặc dù chậm lại trong tháng 5, nhưng trong 5 tháng đầu năm nay vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số.