Giá thịt gà tăng hơn 23%, trứng tăng 82%, lạm phát thực phẩm đã đến Việt Nam?

04/11/2024 11:04

Nhóm thực phẩm đã có diễn biến tăng trở lại trong tháng 5 so với cùng kỳ, sau 7 tháng duy trì giảm. Điều này gây lo ngại áp lực lạm phát sẽ tăng cao hơn do đây là nhóm hàng hóa chiếm quyền số lớn nhất trong rổ tính CPI – trên 20%.

"Giá thịt gà đã tăng trên 23% so với cùng kỳ năm ngoái, giá trứng gà cũng tăng trên 82%.

Giá thịt lợn hơi trung bình trong tháng 5 mặc dù vẫn đang giảm 22% so với cùng kỳ nhưng cũng đã tăng trên 16% từ đầu năm đến nay".

Đây là những số liệu mà Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết trong báo cáo vĩ mô mới nhất.

Nhóm thực phẩm đã có diễn biến tăng trở lại trong tháng 5 so với cùng kỳ, sau 7 tháng duy trì giảm. BVSC nhận định nguyên nhân nhóm hàng này tăng trở lại là do chi phí vận chuyển và giá thức ăn chăn nuôi đồng loạt có diễn biến tăng.

Đây là nhóm hàng hóa chiếm quyền số lớn nhất trong rổ tính CPI – trên 20%. Các chuyên gia của BVSC cảnh báo nếu giá xăng dầu và giá thực phẩm tiếp tục duy trì ở mức cao, đồng thời so với mặt bằng thấp của giá thực phẩm trong nửa sau năm 2021, việc giữ mức lạm phát mục tiêu 4% sẽ gặp khó khăn.

1-20220615154405821.jpg?width=700

 Nguồn: BVSC.

Mới đây, Bộ phận nghiên cứu toàn cầu HSBC cũng nhận định khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đối mặt với rủi ro lớn hơn xuất phát từ giá thực phẩm tăng cao. Trước đó giá năng lượng tăng lên được cho là nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á trong vài tháng đầu năm 2022.

1-20220615151811724.jpg?width=700

 

Số liệu cho thấy tất cả các nền kinh tế đều trải qua tình trạng giá thực phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước.

Thái Lan và Indonesia là hai quốc gia đang chịu lạm phát thực phẩm cao nhất, lên mức 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tình hình ở Việt Nam lại tốt hơn trong bối cảnh sản xuất thực phẩm chính yếu trong nước tương đối ổn định ở thời điểm hiện tại.

Các chuyên gia của HSBC nhấn mạnh giá thực phẩm tăng tại các thị trường khác trên thế giới đang là rủi ro với tình trạng lạm phát ở khu vực Đông Nam Á. Nhờ mặt hàng gạo - thực phẩm chính của các nước thuộc khối - chỉ mới tăng nhẹ từ đầu năm và vẫn duy trì ở mức thấp hơn đỉnh năm 2021 mà áp lực với khu vực này chưa quá lớn.

Tuy nhiên, điều này sẽ không đủ bù đắp những tác động trên diện rộng do giá tăng ở các mặt hàng thực phẩm khác. Với việc thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong rổ CPI ở Việt Nam và Philippines, lạm phát toàn phần chắc chắn sẽ tăng lên.

HSBC dự báo lạm phát năm 2022 và 2023 của Việt Nam sẽ đạt lần lượt 3,5% và 3,2%, giảm 0,2-0,3 điểm % so với dự báo trước nhờ giá thực phẩm trong nước ổn định, giúp kiềm chế lạm phát toàn phần. 

Các chuyên gia tại đây cũng cho rằng tình trạng giá năng lượng cao và kéo dài sẽ tiếp tục đẩy giá cả chung đi lên, khiến lạm phát có lúc vượt trần 4% trong nửa sau năm 2022. Tuy nhiên, tỷ lệ này chỉ mang tính tạm thời.

Về rủi ro giá năng lượng, thực thẩm tăng có thể lây lan sang chỉ số CPI cơ bản, theo ước tính của HSBC, lạm phát cơ bản của Philippines, Indonesia và Malaysia sẽ dễ bị ảnh hưởng do lạm phát năng lượng và thực phẩm, trong khi Thái Lan và Việt Nam bị ảnh hưởng ít hơn.

Nhận xét về mức tăng lạm phát toàn phần 5 tháng đầu năm (2,3%), Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE) mức tăng này của Việt Nam diễn ra chậm hơn so với hầu hết các nước trong khu vực. Điều này một phần là do Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp quan trọng.

MBKE nhận định nguồn cung dồi dào về cây trồng và vật nuôi trong nước, cùng với nỗ lực của Chính phủ nhằm kiềm chế việc tăng giá dường như đã làm giảm giá lương thực trong nước. 

Trong khi đó các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ngay từ đầu năm đã cảnh báo thực phẩm và xây dựng/nhà ở sẽ là yếu tố chính góp phần vào lạm phát của Việt Nam năm 2022. Do đó cần theo dõi hai biến số này chặt chẽ hơn.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh lạm phát đang là vấn đề hết sức nóng và cần tập trung chống lạm phát để đảm bảo phát triển và an sinh xã hội.

Bộ trưởng cũng cho biết Việt Nam có thế mạnh là tự chủ được lương thực thực phẩm vốn chiếm 40% rổ hàng hóa, nên áp lực lạm phát ít hơn các nước trong khu vực và đây cũng là thời điểm vàng để Việt Nam tận dụng cơ hội, bứt phá phát triển.

(Theo: http://vietnambiz.vn/gia-thit-ga-tang-hon-23-trung-tang-82-lam-phat-thuc-pham-da-den-viet-nam-2022615164651403.htm)