Cần để người lao động thấy rõ lợi ích của lương hưu

04/11/2024 07:56

PNO - Rất nhiều người lao động nghỉ việc đã xin hưởng bảo hiểm xã hội một lần thay vì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho đủ số năm và chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu hằng tháng. Vì sao?

 

can-de-nguoi-lao-dong-_441655050372.jpg
Rất đông người lao động đến cơ quan Bảo hiểm xã hội Q.Bình Tân làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần - Ảnh: Thanh Hoa

Không chờ nổi ngày lãnh lương hưu 

Chị Huỳnh Thị Kim Hiền - 23 tuổi, ở Q.Bình Tân, TPHCM - cho biết, chị đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được khoảng ba năm tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam. Do sinh con nhỏ ngay trong đợt dịch COVID-19 năm 2021 nên chị xin nghỉ việc, ở nhà chăm con. Hiện mức lương của chồng không đủ trang trải chi phí cuộc sống cả nhà nên chị quyết định làm thủ tục hưởng BHXH một lần. 
Chúng tôi hỏi chị sao không chờ ngày đi làm trở lại, tiếp tục tham gia BHXH để không mất quyền lợi? Chị cho biết, nếu đi làm trở lại, tiếp tục tham gia BHXH, chị vẫn sẽ tiếp tục xin hưởng BHXH một lần khi nghỉ việc chứ không có ý định chờ nhận lương hưu. Nếu thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu giảm còn 15 năm thì chỉ cần làm việc đến năm 38 tuổi, chị đã đủ số năm cần thiết nhưng không được hưởng ngay mà phải chờ thêm 24 năm, đến lúc 62 tuổi. Thời gian chờ lãnh lương hưu quá lâu, trong khi lao động nữ làm ở các công ty dệt, may, da, giày làm đến 45 - 50 tuổi thường là bị cho nghỉ việc. 
Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam - cũng cho biết, nhiều người lao động (NLĐ) làm việc trên 15 năm cho biết nếu nghỉ việc họ cũng sẽ nhận BHXH một lần vì thời gian chờ nhận lương hưu quá lâu. 

avw.php?zoneid=32&cb=INSERT_RANDOM_NUMBE

Cần hướng tới hư trí đa tầng 
Ông Lưu Kim Hồng băn khoăn: “Nếu các chính sách không mang lại quyền lợi tốt hơn cho người thụ hưởng thì họ sẽ tìm cách hưởng BHXH một lần, sau đó gia nhập thị trường lao động phi kết cấu, mua bảo hiểm y tế hộ gia đình thay vì ròng rã chờ tới ngày lãnh lương hưu với số tiền hưu thấp”. 
Ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH TPHCM - thừa nhận, từ sau đợt cao điểm dịch COVID-19 đến nay, lượng người làm thủ tục hưởng chế độ BHXH liên tục tăng khiến cơ quan BHXH một số quận, huyện bị quá tải hồ sơ. Tuy nhiên, hiện số người nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần đã giảm so với các tháng trước và giảm dần qua mỗi tháng. 
BHXH Việt Nam thường khuyên NLĐ không nên nhận BHXH một lần khi nghỉ việc mà nên bảo lưu và tiếp tục tham gia BHXH để được hưởng lương hưu sau này. Nhận tiền trợ cấp BHXH một lần sẽ thiệt thòi hơn so với lãnh lương hưu. Chẳng hạn với một NLĐ có đủ 20 năm đóng BHXH với mức tiền lương căn cứ đóng BHXH là 4 triệu đồng/tháng. Giả sử họ không tiếp tục đóng BHXH nữa thì, tổng số tiền lương hưu được hưởng từ quỹ BHXH (cộng với các chế độ khác theo quy định như mua thẻ bảo hiểm y tế, trợ cấp ba tháng trước khi chết, trợ cấp mai táng phí) đối với nam (hưởng 45% mức lương đóng BHXH, tính theo tuổi thọ bình quân là 71 tuổi) là 257.306.000 đồng. Đối với nữ (hưởng 55% mức lương đóng BHXH, tuổi thọ bình quân là 76,3 tuổi) là 589.353.000 đồng. Nhưng nếu nhận BHXH một lần thì số tiền chỉ là 134 triệu đồng. 
Cơ quan quản lý nhà nước về lao động và BHXH cho rằng, việc lãnh trợ cấp BHXH một lần mang lại nhiều hệ lụy cho NLĐ và xã hội. Tuy nhiên theo tiến sĩ Đinh Sơn Hùng - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế TPHCM - đúng là lương hưu hằng tháng đảm bảo an toàn tài chính cho NLĐ khi về già, nhưng lương hưu lại quá thấp. Để NLĐ tự nguyện ở lại quỹ này, họ phải thật sự thấy rõ lợi ích của nó. 
Ông cho rằng, chính sách BHXH phải hướng tới hưu trí đa tầng, ngoài BHXH cơ bản, cần có thêm trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm hưu trí bổ sung, hỗ trợ 30 - 50% mức đóng BHXH tự nguyện cho nhóm người nghèo. Bên cạnh đó, cần phải thay đổi chính sách đảm bảo an sinh, việc làm cho NLĐ, tăng lương tối thiểu vùng, tăng mức lương đóng BHXH, có thêm chế độ dành cho con của NLĐ tham gia BHXH… 

Theo quy định hiện nay, thời gian người lao động tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm, dẫn tới nhiều người có thời gian tham gia BHXH ngắn nên khi hết tuổi lao động, không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang đề xuất sửa đổi Luật BHXH năm 2014 theo hướng: Giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH; tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, bổ sung chế độ trợ cấp thai sản nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút, tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện…

(Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

Thanh Hoa