Đại biểu Nguyễn Thanh Sang – Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh
Chiều 14/6, tranh luận tại hội trường về Dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thanh Sang – Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo luật phải thiết kế theo hướng quy định, phải đi liền với tính khả thi.
Đồng tình với quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 33 "khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc", nhưng đại biểu Nguyễn Thanh Sang cho rằng trong thực tiễn khó khả thi. Bởi việc được lựa chọn quyền ở nhà trong khi người cha là chủ hộ thì việc giải quyết đối với người chồng như thế nào? Nếu quy định vẫn ở chung một nhà là không phù hợp. Đại biểu đề xuất cần thiết kế một nơi để những người có hành vi bạo lực nhận thấy trách nhiệm với hành vi bạo lực của mình.
Về nội dung yêu cầu người có hành vi bạo lực tiếp xúc giữ khoảng cách với người bị bạo lực 50m, đại biểu cho rằng quy định như vậy không khả thi, bởi có những gia đình ở trọ trong ngôi nhà khoảng hơn 10m2, nếu áp dụng quy định này không phù hợp. Đại biểu đề nghị dự thảo luật phải thiết kế lại theo hướng quy định phải đi liền với tính khả thi.
Ngoài ra, về quy định người giám hộ, đại biểu Nguyễn Thanh Sang nêu trường hợp trong gia đình người vợ đồng lòng với chồng ngược đãi con cái, như vậy người vợ không còn đủ tư cách giám hộ, đại biểu đề nghị khi soạn thảo cần phải tính đến những trường hợp này…
Quy định về trại tạm giữ người bạo lực không khả thi
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng một số nội dung trong dự thảo Luật còn chưa hợp lý, chưa đảm bảo tính khả thi.
Với 17 quy định cấm bạo lực, đại biểu cho rằng cần rà soát lại cụ thể, rõ ràng, tránh những bất cập trong ứng dụng vào thực tế. "Quy định vợ chồng đã ly hôn buộc phải chăm sóc cha mẹ người đã ly hôn là không hợp lý, khó tổ chức thực hiện", ông Hòa nêu quan điểm.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.
Một bất cập được đại biểu Hòa đề cập là quy định tại cơ sở phải có trại tạm giữ cho người bạo lực. Theo ông Hoà, người bạo lực có dấu hiệu hình sự thì sẽ bị công an tạm giữ, còn chưa đến hình sự thì công an xã có thể tạm giữ theo thời gian quy định. "Quy định có trại tạm giữ cho người bạo lực tại cơ sở sẽ không hợp lý và có thể vi phạm về nhân quyền", ông Hòa nói.
Quy định Chủ tịch UBND các cấp phải đối thoại với người bạo lực và người bị bạo lực hàng năm cũng là điều mà đại biểu Hòa cho rằng bất hợp lý. Ông Hòa cho rằng, chỉ cần giao Chủ tịch UBND cấp xã đối thoại hàng năm với người bạo lực và người bị bạo lực là phù hợp.
Phải xuất phát từ đặc điểm gia đình để tránh "cứng nhắc"
Phát biểu tranh luận, đại biểu Trần Công Phàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, xử lý bạo lực gia đình phải xuất phát từ đặc điểm của gia đình với mục tiêu làm cho gia đình tốt hơn.
Đại biểu Trần Công Phàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.
Tán thành với việc xử lý nghiêm và lên án bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý đến việc xử lý bạo lực gia đình nhưng phải làm sao để gia đình tốt hơn, hạnh phúc hơn mới là điều quan trọng.
Đại biểu nêu rõ, khảo sát thực tế đã cho thấy, có đến 90,4% người vợ bị chồng bạo lực không báo, thậm chí với những người đàn ông bị bạo lực cũng giấu. Nếu ta xử lý theo hướng "cứng nhắc", rằng cứ phải lôi ra làm sáng tỏ, thì liệu có phù hợp không? Vì vậy, các biện pháp xử lý phải xuất phát từ điều kiện gia đình, đặc điểm gia đình và từ đó có biện pháp phù hợp, tránh để xảy ra trường hợp sau khi can thiệp thì gia đình lại rạn nứt.